Những “bóng hồng” nơi đầu sóng

Là vợ ngư dân nên cuộc sống thường ngày của chị em chỉ quanh quẩn ở nhà, khi chồng đi đánh bắt cá, các chị ở nhà chăm sóc con, nhà cửa, trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn gia đình. “Khi tàu về thì chúng tôi mới bận rộn nhiều, chứ lúc tàu đi thì chỉ ở nhà chăm con, lo việc nhà nên cũng nhàn nhã. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi chúng tôi tổ chức dọn dẹp vệ sinh quanh đảo, tham gia các phong trào do hội phụ nữ phát động”, chị Đoàn Thị Thịnh, cư ngụ tại thị trấn Trường Sa, cho biết.
Tại Trường Sa, các phong trào do Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn phát động không nhiều, tuy nhiên việc tập hợp hội viên luôn được làm tốt. Tùy theo điều kiện và tình hình thực tế mà hội sẽ tổ chức những hoạt động phù hợp để chị em có nơi sinh hoạt thật bổ ích. Chị Phạm Thị Như Trinh, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Trường Sa, cho biết: “Hầu hết chị em sinh sống tại đảo đều là hội viên hội phụ nữ. Với vai trò là cán bộ hội, tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động chị em chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các phong trào do hội cấp trên phát động. Định kỳ hàng tháng đều tập hợp chị em sinh hoạt, nhắc nhở việc thực hiện phong trào “5 không 3 sạch”, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, phẩm chất người phụ nữ. Các chị em cũng rất có ý thức thực hiện tốt các phong trào của hội”.
Nhằm tạo thêm tình đoàn kết, gắn bó quân và dân trên đảo, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Trường Sa cùng nhau hùn vốn gây quỹ để thăm hỏi, giúp đỡ khi chiến sĩ đau ốm hay gia đình chẳng may có hữu sự. Hàng tuần, các hội viên tập hợp lại đi quét dọn các khu tâm linh trên đảo, như đền thờ Bác Hồ, nhà tưởng niệm liệt sĩ; thu gom lá cây quanh các tuyến đường,… nhằm chia sẻ bớt một phần công việc của các chiến sĩ.
Chị Đoàn Thị Thịnh thông tin thêm: “Mối quan hệ quân và dân ở đây rất chặt chẽ, đoàn kết thắm thiết. Thấy các chiến sĩ đi lao động mệt nhọc, các hộ dân cũng giúp đem nước uống giải khát, làm thêm “bánh trái” cho anh em ăn vui miệng và đỡ nhớ nhà. Khi chiến sĩ nào cần sự giúp đỡ về việc khâu vá áo quần, chúng tôi cũng sẵn sàng. Vào dịp đơn vị tổ chức sinh nhật cho chiến sĩ, chúng tôi còn làm bánh kem, sôi nổi giao lưu văn nghệ tạo nên không khí vô cùng ấm áp, nghĩa tình”.
“Sống ở nơi đầu sóng ngọn gió, chúng tôi rất được Đảng, Nhà nước, đồng bào đất liền và các anh, các chú bộ đội quan tâm tạo điều kiện có cuộc sống tốt. Hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu rõ nhất nỗi vất vả, cực nhọc của anh em chiến sĩ hải quân. Do đó, ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, tôi còn thường xuyên vận động chị em hội viên làm những công việc có ích cho đảo mình. Tuy không trực tiếp được huấn luyện trên thao trường, nhưng chúng tôi nguyện làm hậu phương tinh thần vững chắc để cùng các anh cống hiến sức mình cho Tổ quốc”, chị Phạm Thị Như Trinh, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Trường Sa, khẳng định.