Giật giải quán quân Ý tưởng sáng tạo trẻ nhờ “kẹt xe”
Ở Sài Gòn điều bạn “sợ” nhất khi đi làm là gì? Khi được hỏi câu hỏi đó có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những lần bị ngập nước và kẹt xe. Điều này không chừa một ai, hễ ra đường, nhất là vào giờ cao điểm là “dính”. Vậy có cách nào để tránh kẹt xe không? Làm sao để biết trước đoạn đường nào đang kẹt xe mà tránh? Hai câu hỏi đó đã được trả lời thông qua Ứng dụng thông báo tắc đường Jamme của hai sinh viên Nguyễn Đức Huy (Trường ĐH Bách Khoa) và Phạm Minh Sang (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên).
Ý tưởng nhờ… kẹt xe
Đức Huy kể: “Giao thông Sài Gòn luôn ùn tắc, điều đó gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân, đặc biệt là những người có quỹ thời gian eo hẹp như cấp cứu, doanh nhân, chữa cháy… Bên cạnh đó, kẹt xe tắc đường khiến cho người ta lãng phí khoảng thời gian quý báu có thể dành vào những việc có ích hơn”.
Với riêng Minh Sang, sau rất nhiều lần bị kẹt xe đã đã rút ra được “kinh nghiệm xương máu” rằng: “Giá như mỗi lần đi làm, đi học về biết chỗ nào đang kẹt xe để không chạy vào đường đó mà tìm đường khác thì sẽ tiết kiệm được một thời gian lớn”.
Từ những câu hỏi ban đầu, Sang bắt tay vào thực hiện dự án Jamme với những người bạn học cùng trường. Với ước mong dự án này khi ra đời sẽ truyền tải một thông điệp nho nhỏ: “Góp một phần nào đó giải quyết bài toán kẹt xe và tăng tính trải nghiệm cho người tham gia giao thông”.

Đức Huy và Minh Sang trong cuộc thi chung kết
Trong khi nhiều thành phố đang đi tìm lời giải cho bài toán kẹt xe thì Jamme xuất hiện đầy hữu ích và triển vọng. Nhưng ít ai biết rằng, để có được thành quả đó, nhóm đã trầy trật biết bấy nhiều lần.
Dự án… 3 thiếu
Minh Sang cho biết, khó khăn đầu tiên nhóm đó là nguồn nhân lực không đủ. Sang tâm sự: “Với số lượng thành viên chưa đến 10 người cho một dự án khoa học là quá ít ỏi. Rồi trong quá trình làm việc do bất đồng quan điểm, do một số thành viên thiếu kiên nhẫn, không còn ‘mặn mà’ với Jamme nên ‘bỏ cuộc chơi’. Cuối cùng chỉ còn Huy và Sang trụ lại, và tuyển thêm hai thành viên khác”.
4 thành viên mỗi người học một trường nên thời gian học tập, làm việc rất khác nhau. Vì thế dẫn đến tiến độ công việc dành cho Jamme chậm hơn dự kiến rất nhiều. Nhưng khó khăn nhất vẫn là …thiếu tiền, như Đức Huy chia sẻ: “Điều lo ngại nhất của sinh viên khi xây dựng một dự án khoa học chính là tiền. Ngay sau khi ý tưởng được hoàn thiện, nhóm phải đối diện với vấn đề chi phí để phát triển Jamme thành ứng dụng thực sự đem lại lợi ích cho mọi người. Vấn đề này khiến nhiều lần nhóm tưởng chừng bỏ cuộc”.
Nhưng sau tất cả, điều giúp nhóm vượt qua những thử thách đó chính là lòng đam mê, nhiệt huyết muốn đi tới cùng. Họ như những chiến binh luôn chiến đấu tới phút cuối, khi mà những người xung quanh đã bỏ cuộc.

Ứng dụng Jamme
Sau tất cả là kỷ niệm đẹp
Nhưng sau niềm tự hào, danh dự, Jamme với nhóm là một kỷ niệm đẹp và đáng nhớ. Như chính tâm sự của Đức Huy: “Ứng dụng Jamme không chỉ cung cấp tình hình giao thông mà còn lưu trữ những dấu ấn đặc biệt trong chuyến hành trình tạo ra nó. Hơn hết, Jamme là sự gắn kết của các thành viên trong nhóm. Qua quá trình làm việc, các thành viên hiểu nhau hơn, làm việc với nhau hợp ý hơn, khăng khít hơn, đó là điều quý báu nhất”.
Cho đến nay, các thành viên còn ấp ủ một hướng phát triển mới và chắc chắn hơn cho Jamme. Để Jamme không trở thành một ứng dụng bế tắc sau khi đi vào hoạt động 2 đến 3 tháng, các thành viên đang nỗ lực cho giai đoạn chuyển từ ý tưởng sang thực tế.
Minh Sang cho biết: “Lý do tụi mình không thể tung ra bây giờ là vì nếu không có một mô hình kinh doanh ổn định thì ứng dụng không thể hoạt động được”.
Với thành công bước đầu về ý tưởng, Jamme hứa hẹn sẽ là ứng dụng thiết thực nhất giải quyết vấn nạn giao thông ở các thành phố lớn, là giải pháp an toàn, tiện lợi và hiệu quả cho người tham giao giao thông.